Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2014
Hãy tìm kiếm sự nhỏ bé, đơn sơ, nghèo hèn và khiêm nhường. Hãy tránh xa Nhân Điện, Thiền, Yoga, Bói Toán, Huyền Bí, Dâm Ô, Rượu Chè, Trai Gái, Cờ Bạc, Tiền Tài, Danh Vọng, Lạc Thú.

Có phải Sống Đạo là Truyền Đạo?

Người đăng: Unknown | Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2014|
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.” (Mc 16, 15-16).

“Ngày nay cũng như xưa kia, Chúa sai chúng ta đi trên khắp các nẻo đường thế giới để loan báo Tin Mừng của Người cho mọi dân tộc trên mặt đất.” (Porta Fidei, số 7)

Một trong những mục tiêu của Năm Đức Tin là nhằm đẩy mạnh công cuộc “thông truyền Đức tin”. Vì thế, ngay vào thời điểm khởi đầu của Năm Đức Tin, Đức Thánh Cha đã triệu tập Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới với đề tài “Tân Phúc âm hóa để thông truyền đức tin Kitô”. Năm Đức Tin, do đó, là cơ hội thuận tiện “dẫn đưa toàn thể cộng đoàn Giáo hội tiến vào một thời điểm để đặc biệt suy tư và tái khám phá đức tin” và thông truyền đức tin ấy với niềm vui và nhiệt thành mới (x. PF 4, 7).

Thực ra, mối bận tâm về công cuộc truyền giáo trong Giáo hội đã có từ rất lâu, vì đó là lệnh truyền của Chúa (x. Mt 28, 18-20, Mc 16, 15-16, Lc 24, 45-48, Ga 20,21), được thực hành trong Giáo hội trong suốt dòng lịch sử. Nhưng mối bận tâm ấy được nhấn mạnh cách đặc biệt trong Công đồng Vaticanô II, nhất là qua sắc lệnh về truyền giáo Ad Gentes, rồi các văn kiện hậu Công đồng, đặc biệt là văn kiện Evanglii Nuntiandi của Đức Phaolô VI và thông điệp Missio Redemptoris của Đức Gioan Phaolô II.

Trong bối cảnh Năm Đức Tin, mối lưu tâm dường như càng cháy bỏng, khi Giáo hội thấy ngọn đèn đức tin tại nhiều nơi đang leo lét và mất khả năng tỏa sáng.

1. Truyền đạo là một đòi hỏi của căn tính Kitô hữu

Sắc lệnh Ad Gentes đã minh định “bản tính của Giáo hội là truyền giáo” (TG 2). Điều này có nghĩa là gì? Có nghĩa là truyền giáo không phải là cái gì thêm vào hay phụ thuộc mà là thành tố làm nên Giáo hội. Truyền giáo là lý do hiện hữu của Giáo hội.

Điều đó cho chúng ta hiểu rằng truyền giáo không phải là một sứ vụ nhiệm ý, tuỳ phụ, mà là nhiệm vụ bó buộc, một sứ mạng, một bổn phận cần phải được thi hành khi thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện:“(Loan báo Tin Mừng), đối với Hội thánh, không phải là một sự cống hiến tuỳ ý, nhưng là một bổn phận Hội thánh phải thực thi theo lệnh truyền của Chúa Giêsu, để loài người có thể tin và được cứu rỗi. Quả thế, đây là sứ điệp cần thiết. Đây là sứ điệp độc nhất. Sứ điệp không thể thay thế” (Evangelii Nuntiandi, 5).

Nói cách khác, truyền giáo là một đòi hỏi đến từ căn tính Kitô hữu. Bất cứ ai lãnh nhận Bí tích Rửa tội là lãnh nhận sứ vụ truyền giáo, nghĩa là có nhiệm vụ làm chứng và thông truyền đức tin đã lãnh nhận cho người khác.

Vì thế, một lần nữa chúng ta phải tái khẳng định rằng sứ mạng truyền giáo là nghĩa vụ dành cho hết mọi Kitô hữu. Do ân sủng và ơn gọi của Bí tích Rửa tội và Thêm sức, mọi tín hữu (giáo sĩ và giáo dân) đều là nhà truyền giáo. Tuy nhiên, địa bàn truyền giáo của các giáo dân là cả một thế giới rộng lớn và phức tạp: chính trị, kinh tế, công nghiệp, giáo dục, truyền thông, khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật và thể thao (x. GH 30-38).

Là nghĩa vụ, bổn phận, nên người Kitô hữu cần phải thi hành. Đây không là một việc nhiệm ý, một lời khuyên lơn hay mời gọi mà là một mệnh lệnh, là lệnh truyền của Chúa Kitô, xuất phát từ ý định cứu độ của Chúa Cha, do sự thúc đẩy và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, vì sự cứu độ của nhân loại. Công đồng Vaticanô II đã xác quyết rằng “mọi tín hữu đều có bổn phận rất cao cả là hoạt động để mọi người trên khắp hoàn cầu nhận biết và đón nhận Phúc Âm cứu độ của Chúa” (TĐ 3; x. GH 17; TG 23, 36).

Là nghĩa vụ cho mọi Kitô hữu, chứ không phải là lệnh truyền riêng cho các linh mục, tu sĩ hoặc các nhà truyền giáo mà thôi. Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân đã khẳng định rằng: “Ơn gọi Kitô hữu tự bản chất là ơn gọi làm tông đồ” (TĐ 2), và do đó, người giáo dân “có bổn phận và quyền làm tông đồ” (TĐ 3). Giáo luật cũng minh định rằng “tất cả các giáo hữu có nghĩa vụ và quyền lợi phải làm sao cho sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa càng ngày càng được truyền tới mọi người, thuộc mọi thời và mọi nơi” (GL, điều 211).

Hơn nữa, “sứ mạng truyền giáo hoàn vũ phải trở thành một yếu tố căn bản thường hằng trong đời sống của Giáo hội. Rao giảng Tin Mừng đối với chúng ta phải là một nghĩa vụ thứ nhất không thể tránh né, cũng như đối với thánh Phaolô Tông Đồ xưa kia” (SĐTG 2009, số 1). Sứ mạng này không phải là công việc riêng lẻ, nhưng là công việc chung của toàn thể Giáo hội, và vì thế, mọi thành phần cần cộng tác với nhau trong tinh thần hiệp thông và đồng trách nhiệm. Thực vậy, “toàn thể Giáo hội phải dấn thân trong sứ mạng truyền giáo cho dân ngoại, cho đến khi chủ quyền cứu độ của Chúa Kitô được thể hiện hoàn toàn”, bởi vì cho đến “hiện nay chúng ta chưa thấy mọi sự tùng phục Chúa” (Dt 2,8; SĐTG 2009).

2. Truyền đạo – dấu hiệu trưởng thành của đức tin

Như đã nó trên, Giáo hội tự bản chất là truyền giáo (TG 2), hiện hữu đề truyền giáo. Truyền giáo là lý do hiện hữu (raison d’être) của Giáo hội. Nhưng không chỉ có thế, đà tiến truyền giáo còn luôn là dấu chỉ về sức sống của Giáo hội (Redemptoris Missio 2; SĐTG 2009, số 2,3,5).

Nói cách khác, truyền giáo không chỉ là bổn phận của mọi tín hữu và cộng đoàn tín hữu, nhưng còn là dấu chỉ cho thấy sự trưởng thành của đời sống đức tin nơi chính cộng đoàn đó, vì đức tin trưởng thành phải là một đức tin “được tuyên xưng, cử hành, sống và làm chứng” (TMVNĐT 6). Điều đó có nghĩa là đức tin chỉ có thể chứng tỏ được tầm mức trưởng thành của mình khi đức tin ấy có khả năng tỏa sáng, có khả năng “nâng đỡ đức tin yếu kém của anh em” và “trổ sinh những bông hạt khác”. Quả thực, “đức tin tăng trưởng khi được sống như một cảm nghiệm về tình yêu đã nhận lãnh và khi được thông truyền như một kinh nghiệm về ơn thánh và niềm vui” (PF 7, x. PF 8-10).

3. Truyền đạo - Sứ vụ ưu tiên và cấp thiết hôm nay

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI không ngừng nhắc đến “vị trí ưu tiên củaviệc rao giảng Tin Mừng” (SĐTG 2009, 2012).

Năm 2009, ngài viết: “Tôi nhắc nhở các Giáo hội kỳ cựu cũng như các Giáo hội mới được thành lập rằng Chúa đã đặt họ làm muối đất và ánh sáng thế gian, Ngài kêu gọi họ rao giảng Chúa Kitô Ánh sáng muôn dân, cho đến tận bờ cõi trái đất. Sứ mạng truyền giáo cho dân ngoại phải chiếm ưu tiên trong các chương trình mục vụ của các giáo phận”.

Năm 2012, ngài tiếp tục nhấn mạnh rằng việc Công đồng tái xác nhận nhu cầu và sự cấp bách của việc loan báo Tin Mừng cho các dân tộc “vẫn còn nguyên giá trị, hơn nữa còn được tiếp nhận những suy tư thần học và mục vụ phong phú, và đồng thời lại càng tỏ ra cấp bách, vì số người chưa biết Chúa Kitô ngày càng nhiều thêm.'Những người mong chờ Đức Kitô vẫn còn đông vô kể', như lời khẳng định của Chân phước Gioan Phaolô II trong Thông điệp Redemptoris Missio về giá trị muôn đời của huấn lệnh truyền giáo, và ngài thêm: 'Chúng ta không thể ngồi yên khi nghĩ tới hàng triệu anh chị em chúng ta đang sống trong tình trạng không biết đến tình yêu của Thiên Chúa, chính họ cũng được cứu chuộc bằng máu Chúa Kitô' (RM 86)” (SĐTG 2012).

Đức Thánh Cha còn đặc biệt nhấn mạnh về tính toàn diện và phổ quát của sứ vụ truyền giáo, khi khẳng định sứ vụ này “phải bao gồm toàn thể hoạt động của Giáo hội địa phương, mọi lĩnh vực của Giáo hội ấy, tóm lại, phải bao gồm toàn thể đời sống và hoạt động của Giáo hội ấy. [...] Điều này đòi hỏi rằng các bậc sống, các kế hoạch mục vụ và việc tổ chức giáo phận phải không ngừng được thích nghi với chiều kích nền tảng này của Hội thánh, đặc biệt trong thế giới không ngừng biến đổi của chúng ta ngày nay” (SĐTG 2012).

Sứ vụ này càng cấp bách và ưu tiên hơn khi chúng ta nghĩ đến những anh chị em chưa nhận biết đức tin: “Ngày nay, sứ mạng ad gentes –đến với muôn dân– phải không ngừng là chân trời và khuôn mẫu cho mọi hoạt động của Hội thánh [...] Cũng như Thánh Phaolô, chúng ta phải quan tâm tới những người ở xa, những người chưa biết Đức Kitô và chưa cảm nghiệm được tình phụ tử của Thiên Chúa, và chúng ta phải ý thức rằng 'sự hợp tác truyền giáo hôm nay phải mở ra những hình thức mới để bao gồm không chỉ việc trợ giúp kinh tế, mà cả sự tham gia trực tiếp vào việc rao giảng Tin Mừng' (Redemptoris Missio 82). Việc cử hành Năm Đức Tin và Thượng Hội đồng Giám mục về Tân Phúc âm hoá sẽ là những cơ hội thuận lợi để phát động sự hợp tác truyền giáo, nhất là trong khía cạnh thứ hai này” (SĐTG 2012).

Theo Sống Đạo
  • Xem Thêm:
    • Lời Nhắn Của Bạn
    • Bình Luận Bằng Facebook

    0nhận xét:

    Đăng nhận xét

    Item Reviewed:Có phải Sống Đạo là Truyền Đạo?Rating:5Reviewed By:Unknown