Các Thánh ca tụng kinh Mân côi
*Thánh Đaminh quả quyết: "Không có cách cầu nguyện nào đẹp lòng Chúa Giêsu và Mẹ Maria bằng đọc kinh Mân côi sốt sắng."
*Thánh Alano: "Những ai ân cần ca tụng Mẹ bằng Kinh Mân côi, đều mang biểu hiệu trọng đại là người được tiền định hưởng vĩnh phúc".
*Thánh Benađo nói: "Kinh Mân côi có sức xua đuổi ma quỷ và làm cho hỏa ngục kinh hoàng khi nghe Danh Thánh Maria"
*Thánh Grignion de Monfort quả quyết:" Chúng tôi nhận thấy những người hư thân mất nết lạc đạo, kiêu căng, thường tỏ thái độ khinh chê kinh Mân côi. Trái lại những người có dấu tiền định nên thánh, hoặc được rỗi linh hồn thì thường tôn kính kinh Mân côi và kính mến Đức Mẹ . . . " (Thành thực Sùng kính Mẹ)
Cha nhận thấy rằng:
"Đối với những linh hồn đã lâu ngày chìm đắm trong vực tối tăm, chỉ còn một thứ xiềng xích êm ái ngọt ngào có thể lôi kéo họ thoát khỏi cảnh bi thảm kia, là Chuỗi Mân Côi".
Năm 1710, Cha xin lập Dòng Ba Thánh Đaminh. Bề trên Cả Dòng, ban cho Cha được đặc quyền lập các họ Mân côi. Chỉ trong thời gian ngắn, Cha đã tổ chức hơn 200 họ tại các miền Cha rao giảng Phúc âm. Đến đâu, Cha cũng thu tập đủ hạng người quây quần dưới chân Mẹ. Cha xướng kinh, mọi người đọc theo, lời kinh Mân côi sốt mến bay thấu tận Trời cao?
Nhiều khi kinh Mân côi được giáo dân đọc suốt ngày. Những người trước kia thù ghét Cha, tìm cách hãm hại, giờ đây, sức mạnh kinh Mân côi đã uốn gối khô cứng của họ trước tượng Mẹ.
Cha viết trong tập ký sự : "Như tôi biết, kinh Mân côi có sức lay chuyển được những con tim chai đá nhất. Trong nhiều tuần đại phúc, tôi đã giảng về những chân lý đáng kinh sợ nhiều lắm, nhưng không gây ảnh hưởng chi, hay có thì cũng rất ít.
Còn khi giảng Phép Mân côi, cổ võ về sự lần hạt hàng ngày, thì tội nhân lũ lượt trở về.
Thoạt đầu tôi tranh luận với những người lạc đạo rất hăng, họ phục lý nhưng không hề trở lại. Nhưng rồi tôi khuyên họ lần hạt, lập tức, trong ít ngày, số người lạc đạo trở về đông hơn nhiều năm trước.
"Kinh Mân côi không những kéo ơn trên trời xuống cho tội nhân, khiến họ mau mắn về với Mẹ, nhưng còn làm cho họ đứng vững trên con đường sùng kính mến yêu Mẹ. Nơi nào đông người chuyên chăm lần hạt, nơi ấy giáo hữu tiến nhanh trên đường thánh thiện, trái lại nơi nào thờ ơ, giáo hữu sẽ lâm vào tình trạng hư hỏng.
Bỏ kinh Mân côi, thật đáng thất vọng! Chỉ có Mẹ, Nữ Vương phép Mân côi, mới là sức mạnh độc nhất toàn thắng hỏa ngục, Satan và bè lũ chúng. Mẹ nâng đỡ an ủi những con Mẹ sống qua những ngày thê lương bi đát nhất "
Nhờ vào kinh nghiệm thực tế, Cha Mon Pho đã hiểu thấu sức mạnh tiềm ẩn nơi kinh Mân côi.
Bằng tinh thần Mẹ, Cha đã viết ra cuốn: "Bí thuật kỳ diệu của kinh Mân côi ". Nó gồm tóm tất cả các học thuyết xưa nay trong cánh đồng Mân côi. Cha lập thành hệ thống vững chắc, đơn giản, dễ dàng, hết mọi người, mọi nơi đều có thể thi hành việc diễm phúc đó.
Sau đây là những hồng ân ban cho những người siêng năng lần hạt, theo như Cha và thánh Alanô de la Roche:
1 Kẻ có tội ăn năn trở lại,
2 Người đói khó được dư đầy ơn phúc,
3 Người bị xiềng xích, nô lệ tội lỗi được giải phóng,
4 Người buồn phiền, than khóc được vui mừng,
5 Người chiến đấu được an bình, khỏi mọi mưu chước ma quỉ,
6 Người thiếu thốn được no đủ,
7 Các tu sĩ sống xứng đáng với bậc mình,
8 Người ngu dốt thành thông giỏi,
9 Người ham danh sẽ chiến thắng hư danh,
10 Kẻ qua đời được ơn thương xót, tha hình phạt vì tội đã phạm.
Để xứng đáng lĩnh nhận những ơn ấy, Cha Mon Pho nhấn mạnh, chúng ta cần phải: "Siêng năng đọc và đọc nên".
Để đọc nên cần những qui tắc sau :
1 Linh hồn trong sạch, thiện chí ngay thẳng.
2 Đọc cách chăm chú, cố gắng khử trừ những chia trí, giữ điệu bộ nghiêm trang. Đọc một kinh nên còn hơn đọc năm chục, chỉ ngoài môi,
3 Đọc với lòng tin, cậy và khiêm tốn,
Đó là ba yếu tố cần thiết nhất khi cầu nguyện.
"Ngoài kinh Nhật khóa (Phụng vụ Giờ kinh), và Thánh lễ Mi sa, không còn kinh nào có sức kéo ơn Chúa xuống cho ta hơn"
"Kinh Mân côi Kinh là chiếc giây nối liền đất với trời".
Nhìn Cha Monpho qua đời sống với kinh Văn Côi người ta đều đồng ý: Cha Monfort là một chiến sỹ vô địch của kinh Văncôi! và không ngần ngại tung hô Ngài là: Đaminh thứ hai của Mẹ.
(Thánh Monpho, Nguồn Sống, Sài gòn, 1959, trg 82,85)
*Thánh Phanxicô de Sale nói: "Cách cầu nguyện tốt nhất chính là đọc kinh Văn côi".
*Thánh Vinh Sơn Phaolo (1581-1660): "Kinh Mân Côi là Kinh Nhật Tụng của tín hữu giáo dân".
*Thánh Anphongsô:"Hãy luôn chạy đến cùng Đức Mẹ". Đó là câu tóm kết tất cả khoa thần học của vị tiến sĩ Hội thánh hiển danh Anphongsô, đấy là trung tâm điểm học thuyết tu đức của người vậy. Khi người đến tuổi già, không còn đủ trí nhớ để nhớ mình đã lần hạt đọc kinh chưa, người vẫn hỏi thầy dòng coi bệnh. Một hôm thầy ấy nói với người: "Bao nhiêu tràng hạt cha đã đọc dư ra hôm nay, con xin cha nhường tất cả cho con". Đấng thánh liền tỏ vẻ mặt nghiêm trang và nói: "Thầy đừng đùa, thầy không biết rằng phần rỗi đời đời của tôi là nhờ ở tràng hạt Mân côi ư?" Đó là sự thật tỏ rõ như ban ngày: Nếu ta luôn luôn chạy đến cùng Đức Mẹ, chắc chắn thế nào ta cũng rỗi linh hồn và nên thánh. (Joseph Schrivers, CSs.R, Mẹ Tôi, t. 77)
*Thánh Benadeta: Chúng ta biết Đức Mẹ hiện ra tại Lộ đức với thiếu nữ tên là Bênađeta:
- Em chỉ là một thiếu nữ thấp bé, quê mùa, gia đình nghèo khó, nhiều bữa ăn đói, em không được đi học nên nhiều tuổi rồi mà chưa biết đọc biết viết, không được xưng tội lần đầu như các em khác. Em ốm yếu hay ho loặc quặc vì bệnh phổi.
Nhưng gia đình em, ba má và anh em là người Công giáo tốt lành, có thói quen đọc kinh Mân côi mỗi buổi tối, nên Benadeta biết đọc kinh Tin kính, Lạy Cha, Kính mừng, Sáng Danh (Andre Ravier, SJ, Bernadette and her Rosary, Convent of Saint-Gildard-Nevers, p.7) .
Chỉ có thế, nhưng lúc nào trong túi áo Benadeta cũng có tràng hạt, và em đọc Kinh KM luôn luôn.
-Khi Đức Mẹ hiện ra với em tại hang đá Lộ đức, việc đầu tiên, em thò tay vào túi lấy tràng hạt ra, em quì xuống, rồi giơ tay làm dấu Thánh giá, nhưng làm không nổi, em run quá. Tới khi Đức Mẹ làm dấu Thánh giá, em mới làm được, rồi em đọc kinh Lạy Cha, kính mừng...(p. 9) ...và Đức Mẹ cùng đọc với em kinh Sáng Danh... Đức Mẹ dạy em đọc Kinh Mân Côi cầu cho kẻ có tội được “thống hối, thống hối” ăn năn cải thiện trở về đường lành. (p. 13).
Em luôn nhớ lời Đức Mẹ dạy cầu cho kẻ có tội, nên em luôn luôn đọc “Cầu cho chúng con là kẻ có tội”. Lời cầu này giúp em nên khiêm tốn nhớ đến phận nghèo...và sẵn sàng chịu đau khổ, khó thở vì bệnh xuyễn để cầu cho tội nhân.
-Khi đã là nữ tu, chị cũng chỉ luôn nắm cỗ tràng hạt ngày đêm để ca ngợi Mẹ, liên kết với Mẹ, cầu xin Mẹ làm cho nên thánh, đem về Thiên đàng, nơi Đức Mẹ đã hứa: ” Mẹ không cho con sung sướng ở đời này, nhưng ở đời sau”.
Sau bao nhiêu ngày tháng bệnh nạn, đau đớn, liệt giường... Giờ chết đến, Chị đọc “Kính mừng Maria, Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, xin cầu cho con, là kẻ tội lỗi khốn khó...và chị tắt thở trong tay Mẹ Maria.
*Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu (1873-1897)
(Là con gái út trong gia đình có 5 chị, Têrêsa được cha mẹ và các chị rất cưng chiều, nhờ đó Têrêsa nhận ra tình yêu của Chúa. Têrêsa yêu cha mẹ và các chị rất thiết tha. Mẹ Têrêsa qua đời lúc Têrêsa còn nhỏ, Têrêsa quay về với Mẹ trên trời. Têrêsa đã được tượng Đức Mẹ, đặt trong phòng, mỉm cười chữa bệnh cho Người cách lạ. Lòng mến Đức Mẹ ngày càng gia tăng. Têrêsa mãi mãi là "con gái nhỏ của Mẹ".
Trong Dòng kín, khi Têrêsa đau nặng, các chị em phải đưa xuống nhà liệt, một hôm Têrêsa kêu lên: "Ôi, tôi mến Đức Mẹ lắm. Nếu tôi là linh mục, tôi sẽ giảng về Đức Mẹ dịu dàng lắm. Người ta cứ nói Đức Mẹ cao sang không thể lui tới được. Phải chi cứ giảng rằng: Đức Mẹ bình dân rất dễ bắt chước. Người là Mẹ hơn là Nữ vương. Đã có lần tôi nghe nói: Sự sáng láng Đức Mẹ che lấp các thánh như mặt trời mọc lên lấn át các vì sao trên trời. Chúa ôi, sao lại kì dị thế được. Người mẹ lại nhẫn tâm lấn át sự vẻ vang của con cái mình ư? Tôi không thể nghĩ thế ấy. Tôi tin thật rằng, Đức Mẹ sẽ ban thêm sự sáng láng cho những con cái được về Thiên đàng. Đức Mẹ đồng trinh, a, Cuộc đời Người giản dị đơn sơ dường nào. (Một tâm hồn trang 304).
Để tỏ lòng kính mến Đức Mẹ, Têrêsa viết: Trong bữa ăn, em hình dung mình ở Nagiaret trong nhà Thánh gia. Giả mà bữa ăn người ta dọn cho em rau sống, cá lạnh, rượu hay thức chi khác có chất mạnh, những món ấy em sẽ gắp tiếp thánh Giuse. Còn Đức Mẹ đồng trinh, em tiếp Người những món ăn nóng, những trái thật chín...Và những món ngày lễ trọng nhất là xúp, cơm, kẹo, em sẽ tiếp đãi Chúa Giêsu tất cả. Chí như khi người ta dọn bữa ăn dưa muối, em sẽ vui vẻ bảo mình, cô tiểu thư ạ, hôm nay phần cô cả cỗ đấy. (sách trên trang 382))
*Về việc đọc kinh Mân côi, Têrêsa viết: "Nhiều khi con thấy mình lạnh lẽo khô khan quá, không thể tìm ra một tư tưởng tốt lành nào, những khi ấy con đọc thong thả kinh Lạy Cha và kinh Kính mừng, chỉ hai kinh này là con thích đọc và đầy đủ thần lực để nuôi linh hồn con hàng ngày. (sách trên trang 241)
Thánh nữ nói: ”Với Kinh Mân Côi, tín hữu Công Giáo xin gì cùng THIÊN CHÚA, Ngài cũng nhận lời”.
-"Kinh Mân Côi giống như một xâu xích dài, nối Trời với đất, một đầu xích nằm trong tay ta, đầu kia nằm trong tay Đức Trinh Nữ Maria".
*Mẹ Á thánh Têrêsa Calcutta: "Hãy lần hạt Mân côi, để Mẹ Maria luôn ở với bạn, hướng dẫn bạn, che chở, gìn giữ bạn như người Mẹ. KMC phải là lời cầu nguyện trong gia đình bạn. Gia đình cầu nguyện với nhau là gia đình tồn tại với nhau".
*Thánh Piô 5 dấu: Cha Piô rất sùng kính Đức Mẹ và ngài thường lần chuỗi hàng ngày.
Trong tu viện, một thầy hỏi ngài:
- Cha lần bao nhiêu chuỗi kinh Mân côi mỗi ngày?
- Khoảng 40.
- 40 lần 50 mươi, nghĩa là 2 ngàn kinh mỗi ngày?
- Sao? Chuỗi Mân côi chỉ có 5 chục thôi sao? Một chuỗi Mân côi đầy đủ gồm 15 chục kinh Kính mừng và 15 kinh Lạy Cha.
Có lần ngài nói với một người con thiêng liêng: "Hãy luôn luôn nắm chặt lấy vũ khí của Đức Mẹ trong tay, nó sẽ giúp con chiến thắng kẻ thù".
- Vũ khí đó là gì?
- Nó trên áo dòng của cha.
- Con đâu có thấy vũ khí nào đâu? Con chỉ thấy xâu chuỗi Mân côi.
- Đó không phải là vũ khí sao? (Cuộc đời cha Piô, Người Tín hữu xb, 2000, tr 267)
Khi được hỏi di sản ngài muốn trối lại cho các con thiêng liêng của ngài là gì, Cha Thánh Piô đã trả lời: "Lần chuỗi Mân Côi!" Ngài cho rằng việc Đức Mẹ hiện ra ở mọi nơi kêu mời người ta đọc kinh Mân Côi là điều chắc chắn khiến ta phải chuyên cần đọc Kinh Mân Côi mỗi ngày.
Ngài còn nói: "Còn kinh nguyện nào đẹp hơn Kinh Mân Côi, kinh chính Mẹ dạy ta. Hãy luôn lần chuỗi Mân Côi".
Hai ngày trước khi qua đời ngài còn nói: "Hãy yêu Đức Mẹ và làm cho Đức Mẹ được yêu. Hãy lần chuỗi Mân Côi và lần luôn luôn và lần càng nhiều càng tốt".
Linh mục Đoàn Quang, CMC 10/2010
Theo: Memaria.org
0nhận xét:
Đăng nhận xét