Trong lần trước chúng ta đã thấy tội lỗi hiện diện ngay từ đầu lịch sử loài người như soạn giả Thánh Kinh trình bầy trong các chương 3-11 của sách Sáng Thế. Nó không rời cuộc sống của con người nữa, và theo quan niệm của soạn giả kinh thánh thuộc trường phái Giavít, lịch sử càng tiến tới, thì tội lỗi càng nhiều và con người càng xa rời cuộc sống toàn vẹn của thuở ban đầu trong vườn Địa Đàng. Tội lỗi ấy đồng hành với toàn lịch sử của dân Israel cũng như lịch sử thế giới.
Tuy là dân riêng được Thiên Chúa tuyển chọn giữa nhiều dân tộc khác, Israel đã mau quên ơn gọi đó của mình và luôn luôn bị cám dỗ bỏ Thiên Chúa để chạy theo các thần ngoại và tôn thờ các ngẫu tượng. Điển hình là tội thờ con bò vàng như kể trong sách Xuất Hành chương 32. Vừa mới được Thiên Chúa cứu thoát khỏi kiếp sống nô lệ bên Ai Cập chưa được bao lâu, dân Israel đã đúc con bò vàng và coi đó là Thiên Chúa của mình, tổ chức cúng bái thờ lạy nó, rồi mở hội vui chơi nhảy múa. Như với Ađam Thiên Chúa đã đưa ra sáng kiến chọn ông là đối tượng lòng nhân lành của Người, Thiên Chúa cũng đã làm với dân Israel như vậy, bằng cách chọn họ làm dân riêng của Người.
Một cách đặc biệt sách Xuất Hành cho thấy Giavê Thiên Chúa đã trung thành với các lời hứa của Người. Nhưng chính trong lúc Thiên Chúa bước vào trong giao ước với dân Israel bằng cách dấn thân ban cho ông Môshê hai ”bảng chứng ước”, tức Mười Điều Răn, là Lề Luật hướng dẫn cuộc sống của Israel trong tương quan với Thiên Chúa, thì dân Israel gây áp lực, xin ông Aharon làm cho họ một vị thần không xa xôi và vô hình, vừa với mẫu mực của họ, một thần linh đồng hành với dân, tới nơi đâu dân muốn dẫn đi, chứ không phải một Thiên Chúa đòi hỏi họ bước đi với Người.
Chương 32 sách Xuất Hành viết: ”Dân thấy ông Môshê lâu qúa không xuống núi, bèn tụ họp bên ông Aharon và nói với ông: ”Xin ông đứng lên, làm cho chúng tôi một vị thần để dẫn đầu chúng tôi, vì chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra cho cái ông Môshê này, là người đã đưa chúng tôi lên từ đất Ai Cập.” Ông Aharon nói với họ: ”Hãy gỡ các khuyên vàng mà vợ và con trai con gái các ngươi đeo ở tai, rồi đem đến cho tôi”. Toàn dân gỡ các khuyên vàng đeo tai và đem đến cho ông Aharon. Ông lấy vàng từ tay họ trao cho, đem đúc và dùng dao mà gọt đẽo thành một con bê. Bấy giờ họ nói: ”Hỡi Israel, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất ai Cập”. Thấy vậy, ông Aharon dựng một bàn thờ trước tượng con bê, rồi hô to: ”Mai có lễ kính Giavê!”
Ngày hôm sau, họ dậy sớm, dâng tiến những của lễ toàn thiêu và những lễ vật kỳ an. Dân ngồi xuống ăn uống, rồi đứng lên bày trò vui chơi” (Xh 32,1-6).
Dân Israel đòi có một vị thần hữu hình như người Ai Cập và người Assiri. Con bê hay con bò mộng bằng vàng là hình ảnh của thần linh được tôn thờ nhiều nhất trong vùng Trung Đông Cổ, chẳng hạn như tại Canaan, tại Ugarít và bên Siria, nơi thần Baal Hadad, tức là thần bão tố, tay cầm sấm sét đứng trên một con bò mộng. Hình tượng này cũng được tôn thờ trong vùng Hạ Ai Cập. Con bò mộng Apsis được tôn thờ trong đền thờ thành phố Heliopolis, như là sự nhập thể của thần Osiride, và con bò mộng Mnervis được tôn thờ trong đền thờ Ptah tại Memphi, như là sự nhập thể của thần mặt trời. Như thế chúng ta có thể hiểu ảnh hưởng sâu đậm của các tôn giáo Ai Cập trên dân Israel trong suốt các thế kỷ họ sống tại đây, trước khi được Giavê Thiên Chúa giải phóng khỏi kiếp sống nô lệ, qua sự lãnh đạo của ông Môshê.
Ngoài ra, Giêrôbôam, vua vương quốc Israel miền Bắc, là người đã khởi đầu cuộc ly khai với vương quốc Giuđa miền Nam, đã trú ngụ bên Ai Cập. Và khi trở về ông đã dựng tượng một con bê bằng vàng tại trung tâm thờ tự Betel và trung tâm thờ tự Dan, nhằm củng cố sự ly khai chính trị và tôn giáo, như kể trong sách các Vua I chương 12. Như đã biết, sau khi vua Salomon băng hà, vương quốc do vua Đavít thành lập bị chia đôi thành vương quốc Israel miền Bắc do Giêrôbôam làm vua, và vương quốc Giuđa miền Nam do vua Roboam con vua Salomon cai trị. Chương 12 sách các Vua I viết: ”Vua Giêrôbôam nghĩ bụng rằng: ”Rồi vương quốc lại trở về với nhà Đavít mất thôi! Nếu dân này cứ lên tế lễ tại Đền Thờ Giavê ở Giêrusalem, thì lòng họ lại quay về với chủ mình là Roboam vua Giuđa và họ sẽ giết ta để trở về với Roboam vua Giuđa. Sau khi quyết định, vua làm hai con bò mộng bằng vàng, rồi nói với dân: ”Các ngươi lên Giêrusalem như thế là đủ rồi! Này Israel, Thiên Chúa của ngươi đây, Đấng đã đưa ngươi lên từ đất Ai Cập.” Vua đặt một tượng ở Betel, còn tượng kia ở Đan. Đó là nguyên cớ gây ra tội, vì dân đi tới mãi tận Dan để thờ một trong hai tượng đó. Vua thiết lập những nơi cao và đặt các tư tế lấy từ đám thường dân, không thuộc hàng con cháu Lêvi. Vua Giêrôbôam còn lập một lễ vào ngày mười lăm tháng tám, giống như lễ vẫn mừng ở Giuđa, và vua tiến lên bàn thờ. Vua đã làm như thế tại Betel, mà dâng lễ tế cho các con bò mộng vua đã làm ra. Vua đặt ở Betel các tư tế để phục vụ tại các nơi cao mà vua đã thiết lập. Vua tiến lên bàn thờ đã lập ở Betel, vào ngày mười lăm tháng tám, tháng vua chọn theo sở thích; vua lập nên một ngày lễ cho con cái Israel và lên bàn thờ đốt hương” (1 V 12,28-33).
Việc tôn thờ hai con bò vàng trong các trung tâm thờ tự Betel và Dan kéo dài cho tới khi vương quốc Israel miền Bắc bị tiêu diệt năm 722 trước công nguyên bởi đế quốc Assiria dưới thời vua Sargon II cai tri Assiria từ năm 722 đến 705 trước công nguyên.
Chính vì việc tôn thờ ngẫu tượng này các ngôn sứ Amos và Hosea đã mạnh mẽ tố cáo hàng lãnh đạo và dân chúng sống trong vương quốc Israel miền Bắc và kêu mời họ trở về với Giavê Thiên Chúa. Các tai ương Thiên Chúa cho đổ ập xuống trên Israel như đói kém, hạn hán mất mùa, chiến tranh loạn lạc cũng không khiến cho Israel trở về với Người (Am 4; 5). Lời rao giảng của ngôn sứ Amos khiến cho ông gặp xung khắc với Amadia, tư tế và là ngôn sứ của vua Giêrôbôam. Nhưng Hosea báo cho ông biết số phận Israel phải chịu: ”Giêrôbôam sẽ chết vì gươm và Israel sẽ bị đày biệt xứ... Vợ ngươi sẽ đi làm điếm trong thánh phố, con trai con gái ngươi sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, lãnh thổ ngươi sẽ bị phân chia từng mảnh, còn ngươi, ngươi sẽ chết trên một miền đất ô uế, và Israel sẽ bị đày xa quê cha đất tổ” (Am 7,11.17). Và qủa thế, sau khi Samaria, thủ đô vương quốc miền Bắc, bị xâm lăng và tàn phá bình địa năm 722 trước công nguyên, dân Israel bị đầy sang Ninive, và từ đó vương quốc Israel biến mất khỏi lịch sử.
Ngôn sứ Hosea thì cho thấy xã hội bị xáo động vì dân Chúa thờ ngẫu tượng: ”Hỡi Samaria hãy gạt bỏ con bê của ngươi - chúng làm Ta nổi giận. Chúng không chịu để cho Ta thanh tẩy mãi cho tới bao giờ? Vì con bê đó là do Israel làm ra, do một nghệ nhân sản xuất, nó đâu phải là thần! Chắc chắn con bê của Samaria sẽ như thể mùn cưa. Chúng gieo gió thì gặt bão. Chúng là cây lúa không làm đòng, là hạt lúa lép không có hột, nhưng giả như có hột thì ngoại bang cũng sẽ nuốt hết” (Hs 8,5-7). Cùng với tội tôn thờ ngẫu tượng là cuộc sống vô luân bạo lực và bất công chồng chất. Ngôn sứ viết: ”Qủa thật trong xứ này, chẳng có tín thành, chẳng có ân nghĩa, cũng chẳng có sự hiểu biết Thiên Chúa. Chỉ có bội thề, dối trá, sát nhân và trộm cướp, áp bức với ngoại tình, các cuộc đổ máu cứ nối tiếp nhau. Chính vì thế mà xứ sở tang thương, dân cư tàn tạ, ngay thú vật ngoài đồng, cũng như chim trời cá bển, tất cả đều chết hết” (Hs 4,1-3).
Sự siêu việt của Giavê Thiên Chúa khiến cho loài người không thể diễn tả Người bằng bất cứ hình tượng nào. Đó đã là nền tảng của giới răn: ”Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ” (Xh 20,4). Thế nhưng dân Israel không tuân giữ giới răn của Chúa. Họ đã gây áp lực với tư tế Aharon để làm con bò vàng thay thế Giavê Thiên Chúa, là Đấng đã giải thoát Israel ra khỏi Ai Cập. Aharon cũng xây bàn thờ để tế lễ cho ngẫu tượng. Ở đây chính hàng tư tế phạm tội tôn thờ ngẫu tượng. Ngoài việc tế lễ, dân chúng còn ăn uống hát ca múa nhảy.
Trong lịch sử dài của mình dân Israel đã luôn luôn bị cám dỗ bỏ Giavê Thiên Chúa để tôn thờ các thần ngoại và các ngẫu tượng, đặc biệt là thần Baal của dân tộc Canaan. Vào cuối đời mình vua Salomon đã nghe theo các bà vợ và thê thiếp của mình xây các nơi cao cho họ tôn thờ các thần ngoại và ngẫu tượng của họ, và cũng cùng họ dâng hương cúng bái tà thần.
Tội của dân Israel như thế cũng là tội khước từ vâng lời Giavê Thiên Chúa, khước từ tin tưởng nơi Thiên Chúa và phó thác cho Người. Khi bỏ Giavê Thiên Chúa để tôn thờ các tà thần, dân Israel không nhận Thiên Chúa là Chúa duy nhất, Đấng đã tạo ra họ và họ phải tôn thờ như viết trong kinh Tin Kính chương 6 sách Đệ Nhị Luật: ”Hãy lắng nghe, hỡi Israel. Giavê Thiên Chúa chúng ta, là Giavê duy nhất. Hãy yêu mến Giavê Thiên Chúa các ngươi hết lòng hết dạ, hết sức các ngươi” (Đnl 6,15) ”Chính Giavê Thiên Chúa của các ngươi là Đấng các ngươi phải kính sợ; chính Người là Đấng các ngươi phải phụng thờ... Các ngươi không được theo những thần khác trong số các thần của các dân chung quanh” (Đnl 6,13.14).
Tội tôn thờ các tà thần và ngẫu tượng này sẽ bị các ngôn sứ mạnh mẽ tố cáo và gọi là tội ngoại tình. Israel là người vợ ngoại tình đã bỏ Giavê Thiên Chúa là Phu Quân, là Chồng của mình để đi làm điếm, trao thân cho các thần ngoại khác và ăn nằm với chúng.
(Thần Học Kinh Thánh bài số 1147)
Linh Tiến Khải
Theo:http://vi.radiovaticana.va/storico/2013/05/02/t%E1%BB%99i_l%E1%BB%97i_trong_l%E1%BB%8Bch_s%E1%BB%AD_c%E1%BB%A7a_d%C3%A2n_israel/vie-688427
0nhận xét:
Đăng nhận xét