Thứ Hai, 2 tháng 11, 2015
Hãy tìm kiếm sự nhỏ bé, đơn sơ, nghèo hèn và khiêm nhường. Hãy tránh xa Nhân Điện, Thiền, Yoga, Bói Toán, Huyền Bí, Dâm Ô, Rượu Chè, Trai Gái, Cờ Bạc, Tiền Tài, Danh Vọng, Lạc Thú.

Phạm Thánh hay Khoan Dung: Người ly dị tái hôn có thể được rước lễ

Người đăng: Unknown | Thứ Hai, 2 tháng 11, 2015|
THĐGM về gia đình đã mở ra hy vọng cho người ly dị tái hôn - theo từng trường hợp cụ thể - về việc được rước lễ trở lại.
Bản Phúc trình chung kết của Thượng Hội Đồng Giám mục vừa kết thúc đã đặc biệt dành riêng ba mục, cụ thể là mục số 84, 85 và 86 để đề cập vấn đề người ly dị tái hôn dân sự. Ba điểm này đã được thông qua với tỷ lệ đa số 2/3. Qua đó, ĐHY Christoph Schonborn, TGM TGP Vienna, Áo đã nhận xét: “Đối với chủ đề này, từ khóa mấu chốt là “sự nhận định” (discernimento) về việc cho phép rước lễ. Các tiêu chuẩn nền tảng đã được đưa ra để nhận định về những hoàn cảnh khác nhau”, theo Đài Radio Vatican.

Các Nghị phụ nhấn mạnh: chân lý và lòng từ bi thương xót đều hiện diện trong Chúa Kitô

Văn kiện tái khẳng định về sự bất khả phân ly của Bí tích Hôn phối, “đặc tính này không phải là cái ách nhưng là hồng ân của Thiên Chúa, là chân lý dựa trên Chúa Kitô và mối liên hệ của Người với Giáo Hội”. Các Nghị phụ nhấn mạnh rằng chân lý và lòng từ bi thương xót đều hiện diện trong Chúa Kitô. Từ đó, THĐ kêu gọi đón tiếp các gia đình bị tổn thương và nhắc rằng họ không bị vạ tuyệt thông, để tùy sự phân định của các vị mục tử qua phân tích tình trạng phức tạp của họ. Tất nhiên, phân định này phải được thực hiện theo Giáo huấn của Hội Thánh, trong niềm tín thác vào lòng thương xót của Chúa.

Đối với những người “sống thử”, văn kiện nói rằng cần phải xem xét tình trạng của họ một cách tích cực, tìm cách biến hoàn cảnh ấy thành cơ hội hoán cải, tiến đến sự viên mãn của hôn nhân và gia đình, dưới ánh sáng Tin Mừng. Trong những đoạn này có nói về phương thức mục vụ dành cho các gia đình bị thương tổn hoặc ở trong tình trạng “bị rối”, không hợp với giáo luật. Cụ thể là những cặp sống chung không kết hôn, những cặp chỉ kết hôn dân sự, những người ly dị tái hôn dân sự và cách thức mục vụ dành cho những trường hợp này trong thái độ tích cực và tiếp đón.

Cụ thể, trong mục 84 trong Bản Phúc trình chung kết đã khẳng định những tín hữu ly dị và rồi tái hôn dân sự phải được liên kết hơn nữa với cộng đồng Kitô giáo bằng những phương thức khả dĩ. Họ còn phải sống và trưởng thành như là những chi thể sống động trong Giáo Hội, để cảm nhận Giáo Hội như một người mẹ luôn sẵn sàng đón nhận, quan tâm, chăm sóc họ với tất cả lòng yêu mến và khuyến khích họ trên hành trình của cuộc sống và Tin Mừng.

Họ đã được rửa tội, họ là anh chị em, Chúa Thánh Thần đổ đầy trên họ ân huệ và đặc sủng vì lợi ích như tất cả mọi người. Sự dự phần của họ có thể được diễn tả trong nhiều hoạt động khác nhau của Giáo Hội. Chìa khóa của sự tháp tùng mục vụ đối với những người ly dị tái hôn chính là luận lý về sự liên kết. Sự liên kết này cần thiết ngay cả đối với sự chăm sóc và giáo dục Kitô giáo đối với các con cái của họ, cả hai điều này phải luôn được xem là điều quan trọng nhất.

Bản phúc trình còn lặp lại tầm quan trọng của việc nêu cao nét đẹp và niềm vui của tính dục trong cuộc sống vợ chồng qua mục số 85, nhắc lại Giáo huấn của ĐGH Phaolô VI và đặc biệt ĐGH Gioan Phaolô II. “Vì tình yêu sự thật, các chủ chăn phải biết rằng mình có nghĩa vụ phân biệt rõ những tình cảnh khác nhau. Thật thế, những người đã thành tâm cố gắng cứu vãn cuộc hôn nhân thứ nhất nhưng đã bị ruồng bỏ một cách bất công, thì khác hẳn với những người do sai lỗi trầm trọng đã phá hủy cuộc hôn nhân thành sự theo Giáo luật. Sau nữa, cũng có trường hợp những người đã lấy một người khác để giáo dục con cái và đôi khi trong lòng cứ chủ quan tin chắc rằng cuộc hôn nhân trước, mà bây giờ đã bị phá hủy, không sao cứu vãn được, xưa nay vẫn không hề thành sự”. (Tông Huấn Familiaris Consortio, số 84).

Chìa khóa của hạnh phúc gia đình là sự liên kết

Điều đó nói lên bổn phận của các linh mục là đồng hành cùng những người gặp khó khăn trong đời sống gia đình. Trong tiến trình này sẽ rất hữu ích khi thực hiện một cuộc xét mình, thông qua những giây phút suy ngẫm và ăn năn trong niềm tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Văn bản cũng gợi ý những người ly dị tái hôn phải tự vấn qua các câu hỏi như: họ đã cư xử thế nào đối với con cái khi tương quan của vợ chồng bắt đầu bị khủng hoảng; liệu đã có những nỗ lực để hoà giải nào chưa hay chỉ có sự ruồng bỏ; đâu là những hậu quả ảnh hưởng trên toàn bộ gia đình và cộng đồng các tín hữu; đâu là mẫu gương mà tương quan vợ chồng mới này có thể mang lại cho những người trẻ vốn sẽ phải chuẩn bị cho hôn nhân trong tương lai… Trong hoàn cảnh gia đình cụ thể hiện nay, Giáo hội sẽ gặp những khó khăn để lựa chọn cách hành xử vì trách nhiệm không giống nhau trong tất cả mọi trường hợp.

Ngoài ra, mục số 86 nhắc nhớ trong chân lý và trong đức ái rằng tiến trình đồng hành và nhận định sẽ hướng dẫn các tín hữu ly dị tái hôn suy xét trong lương tâm mình về hoàn cảnh của họ trước Thiên Chúa. Cuộc gặp gỡ với các linh mục sẽ góp phần định hình một phán đoán đúng đắn về những điều ngăn trở. Giáo hội khuyến khích cần đảm bảo các điều kiện cần thiết của sự khiêm nhường, kín đáo trong nỗ lực thành thật đi tìm ý Chúa và trong ước muốn tham dự tích cực hơn vào đời sống của Giáo hội.


  • Xem Thêm:
    • Lời Nhắn Của Bạn
    • Bình Luận Bằng Facebook

    0nhận xét:

    Đăng nhận xét

    Item Reviewed:Phạm Thánh hay Khoan Dung: Người ly dị tái hôn có thể được rước lễRating:5Reviewed By:Unknown